» » Kinh nghiệm mua xe ôtô cũ: Làm sao để nhận biết xe bị tua odo?

Tua odo xe ôtô là một thủ thuật khiến cho giá trị của xe ôtô cũ được cao hơn và bán được lời hơn. Thông qua chỉ số odo, khách hàng có thể định giá những chiếc xe ôtô cũ, bởi số hiển thị càng lớn đồng nghĩa xe đã sử dụng càng lâu và chạy nhiều.

Odo là đồng hồ đo quãng đường xe máy, ôtô đã đi được. Ảnh: Lâm Anh.

Odo là từ viết tắt của từ “odometer” - đồng hồ đo quãng đường của xe đã đi, linh kiện được gắn trên ôtô và xe máy. Dựa vào chỉ số odo, người điều khiển xe hơi sẽ biết được quãng đường đã đi và biết được khi nào là thời điểm thích hợp để bảo trì, bảo dưỡng xe.

Trường hợp chỉ số odo trên xe ôtô đã bị thay đổi khiến người mua xe khó có thể nắm bắt được chất lượng xe như thế nào để nhận định được mức giá bán mà showroom đưa ra có hợp lý.

Anh Trung Tính - chủ một salon ôtô tại TPHCM cho hay, việc định giá một chiếc xe có rất nhiều yếu tố. Theo đó, một chiếc xe có cùng năm đăng ký và lăn bánh, nhưng việc chủ xe chạy nhiều hay ít ảnh hưởng rất nhiều tới độ hao mòn của chiếc xe và từ đó ảnh hưởng tới giá trị chiếc xe ôtô đã qua sử dụng.

"Chế độ bảo dưỡng, thay thế phụ tùng định kỳ được các nhà sản xuất đưa ra khuyến cáo đa số dựa theo mốc số ki-lô-mét, ví dụ như mốc 10.000km, 40.000km... Do đó, một chiếc xe chạy nhiều sẽ phải tốn kém tiền bảo dưỡng, thay thế hơn. Chưa kể việc không đúng theo công tơ mét thực sẽ khiến chủ sau của chiếc xe để quá thời gian bảo dưỡng xe định kỳ khiến chiếc xe hoạt động kém hiệu quả"- anh Tính chia sẻ.

Để người mua có thể tự mình nhận định được chiếc xe định mua có đúng số công tơ mét hay không trước khi đi đặt cọc và đưa xe đi kiểm tra tại hãng, theo ông Bảo Sơn - chủ garage dịch vụ chăm sóc xe (TP. Thủ Đức), có một số cách cơ bản để kiểm tra.

Thứ nhất là xem nhật ký bảo dưỡng của xe. Thông thường, trong mỗi lần bảo dưỡng thì thợ máy sẽ ghi ra số ki-lô-mét quãng đường mà sẽ đã đi qua như một thủ tục thông lệ. Nếu người bán không muốn đưa nhật ký này thì rất có khả năng là xe có vấn đề.

Thứ hai, người mua có thể kiểm tra về tình trạng của xe trong điều kiện thực tế bằng cách lái thử xem động cơ xe có chạy êm và không phát ra những tiếng động lạ. Bên cạnh đó, việc quan sát sự hao mòn trên chi tiết nội - ngoại thất của xe cũng có thể là một đặc điểm nên được chú ý.

Các chi tiết bên trong xe như bề mặt chất liệu ghế, công tắc, bàn đạp, độ mòn vô lăng... cũng thể hiện chất lượng chiếc xe. Ảnh: Lâm Anh

Theo chủ garage, những chi tiết như ốc vít, dây nối trong xe cũng sẽ là một bằng chứng đáng tin cậy trong việc xem xét một chiếc xe ôtô cũ có còn chất lượng như những gì người bán giới thiệu. Nếu như đầu vít có dấu hiệu mòn, bị vặn xoắn nhiều lần thì có nghĩa chiếc xe đã bị sửa chữa thường xuyên, các bộ phận đã xuống cấp nghiêm trọng nên mới phải trùng tu nhiều như vậy.

"Tuy nhiên, để đảm bảo mua được một chiếc xe đúng chất lượng, người mua nên đi chung với một người có kiến thức chuyên môn về xe, hoặc quan sát những chi tiết cơ bản rồi đặt cọc, yêu cầu người bán có cam kết chất lượng xe bằng văn bản rồi tiến hành đặt lịch đưa xe đi kiểm tra tại hãng trước khi chốt trả toàn bộ tiền"- ông Sơn cho hay.

Theo: Lao Động
https://laodong.vn/xe/kinh-nghiem-mua-xe-oto-cu-lam-sao-de-nhan-biet-xe-bi-tua-odo-1136329.ldo

«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply